Năm ngoái, Moto G đã làm khuynh đảo thị trường smartphone giá rẻ. Chỉ trong vòng 5 tháng, Moto G đã trở thành smartphone bán chạy nhất trong lịch sử của Motorola.
Chiếc Moto G thực sự là một sản phẩm điển hình cho triết lý mới của Motorola: hãy tiếp tục làm ra các sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng hãy giảm giá. Moto E là sản phẩm điển hình cho triết lý này. Thay vì thay thế cho Moto G, Moto E sẽ tấn công vào phân khúc giá rẻ hơn.
Cụ thể, theo mức giá ban đầu, bạn có thể mua được Moto E với giá chỉ 129 USD, tức khoảng 2,8 triệu đồng. Ở mức giá này, Moto E sẽ cạnh tranh với Samsung Galaxy Fame, Nokia Lumia 520 và Lumia 525.
Với giá 2,8 triệu đồng, cấu hình của Moto E cũng không hề tệ: màn hình 4,3 inch độ phân giải 960 x 540 pixel, vi xử lý lõi kép 1,2 GHz, 1GB RAM, bộ nhớ 4GB, camera sau 5MP và pin 1.980 mAh. Với độ phân giải màn hình nói trên, Moto E đạt độ sắc nét 256ppi và sẽ là chiếc smartphone sắc nét nhất trong tầm giá dưới 3 triệu đồng.
Thiết kế
Giống như tất cả các sản phẩm giá rẻ khác, thân máy được làm bằng nhựa với vỏ lưng có thể tháo rời. Về ngôn ngữ thiết kế, Moto E rất giống với Moto G. Chất lượng thiết kế trên Moto E tạo cảm giác rằng chiếc smartphone nhựa này có thể chống chọi khá tốt với các va đập trong quá trình sử dụng. Hiện tại, Moto E đang có tới 9 lựa chọn màu sắc cho vỏ lưng.
Bên cạnh đó, Motorola cũng đang bán ra tới 5 loại ốp lưng bề mặt nhám cho Moto E. Do Moto E được tích hợp một lớp phủ nano chống nước, lựa chọn ốp lưng cao su nói trên sẽ giúp chiếc smartphone giá rẻ này trở thành lựa chọn tốt cho người dùng thích du lịch.
Một điểm cộng khác cho Moto E là lớp kính bảo vệ Gorilla Glass 3. Với kính Gorilla, Moto E có thể bảo vệ mặt trước cho Moto E một cách dễ dàng. Kính Gorilla trên Moto E được phủ một lớp chống vân tay, song theo trang công nghệ Tech Radar, lớp bảo vệ này không thực sự hiệu quả: Màn hình vẫn bị bám vân tay khá nhiều.
Vỏ lưng của Moto E hơi cong, nhờ đó người dùng có thể cầm tay sản phẩm một cách dễ dàng. Thân máy cũng chỉ nặng 142 gram, song độ dày lại lên tới 12,3 mm. Chiếc Lumia 520 chỉ dày 9,9 mm, trong khi đàn anh Moto G cũng chỉ dày 11,6 mm.
Khác với các sản phẩm giá rẻ khác, viền màn hình ở cạnh trái và phải của máy khá nhỏ. Tuy vậy, phần viền trên và dưới lại khá dày. Lý do là bởi bộ loa đã được chuyển từ phía sau (của Moto G) lên phía trước nhằm giúp giảm thiểu cảm giác "thừa thãi không gian" trên mặt trước của Moto E.
Với khung máy có kích cỡ 124,8 x 64,8 mm, Motorola đã tiến hành đảo vị trí cho các nút bấm. Cả nút điều chỉnh âm lượng và nút nguồn đều được đặt ở bên phải thân máy để người dùng có thể dễ dàng sử dụng bằng một tay. Khe cắm tai nghe vẫn được đặt ở phía trên, trong khi cổng microUSB được đặt tại cạnh dưới thân máy.
Rất tiếc, dù có nắp lưng tháo rời song người dùng lại không thể tự thay pin cho Moto E. Theo Motorola, pin 1.980 mAh có thể giúp Moto E hoạt động đủ ngày cho mỗi lần sạc đầy.
Màn hình
Đây không phải là độ sắc nét của Galaxy S5 hay thậm chí là iPhone 5S, song với mức giá của Moto E, bạn chỉ có thể mua được… 1/6 chiếc S5. Bởi vậy, màn hình của Moto E chỉ có độ phân giải qHD (960 x 540 pixel), tương đương mật độ điểm ảnh 256 ppi.
Theo trang công nghệ PhoneArena, mật độ điểm ảnh nói trên là tạm ổn cho trải nghiệm lướt web. TechRadar khẳng định trải nghiệm sử dụng cho thấy cả chữ viết và hình ảnh trên Moto E đều khá sắc nét, rõ ràng. Tuy vậy, khi nhìn từ các góc hẹp, màu sắc trên Moto E sẽ bị biến dạng và mờ nhạt khiến người dùng khó có thể chia sẻ chiếc smartphone này cùng những người ngồi cạnh hoặc chơi các game cần điều khiển nghiêng màn hình một cách thoải mái.
Phần mềm và hiệu năng
Với vi xử lý Snapdragon 200 lõi kép 1,2 GHz và 1GB RAM, Moto E có đủ khả năng để chạy Android 4.4 KitKat tương đối mượt mà. Không chỉ cài đặt sẵn KitKat cho Moto E, Motorola còn cam kết sẽ cập nhật lên phiên bản Android tiếp theo cho chiếc smartphone giá rẻ này.
Nhiều người dùng sẽ thấy bất ngờ khi sử dụng Moto E: Quá trình điều hướng qua màn hình Home, màn hình app launcher và menu đa nhiệm đều rất mượt. Quá trình sử dụng Moto E hoàn toàn không có dấu hiệu chậm, giật.
Lý do khiến cho Moto E có thể mang lại trải nghiệm mượt mà là do không bị cài đặt giao diện quá nhiều tính năng "rác": Android 4.4 KitKat trên Moto E rất gần với trải nghiệm Android nguyên bản. Giao diện của Moto E khá rõ ràng, trực quan và đơn giản, và do đó sẽ rất hấp dẫn với những người mới sử dụng Android.
Thử nghiệm Angry Birds Star Wars trên Moto E rất đáng khích lệ: trò chơi tương đối mới này có thể hoạt động tốt trên vi xử lý lõi kép của Moto E, hứa hẹn trải nghiệm game casual khá ổn cho dòng smartphone giá không tới 3 triệu đồng này.
Motorola cài đặt sẵn bộ ứng dụng mặc định của Moto G cho Moto E, bên cạnh ứng dụng mới Alert. Ứng dụng này sẽ tự động thông báo cho bạn bè và gia đình vị trí hiện thời của bạn. Nhờ đó, Moto E sẽ trở thành một lựa chọn khá phù hợp để cha mẹ mua cho các em nhỏ. Với Alert, bạn có thể tìm được bạn bè trong một buổi hòa nhạc, hoặc tự động kêu chuông báo và yêu cầu cấp cứu từ một số điện thoại định sẵn.
Ứng dụng cũ Migrate cũng sẽ giúp người dùng chuyển dữ liệu từ các thiết bị cũ lên chiếc Moto E của mình. Ứng dụng Assisst sẽ hạn chế khả năng bị làm phiền khi bạn đang tham dự các sự kiện quan trọng (ví dụ như các cuộc họp). Cả 2 ứng dụng này đều đã có mặt trên Moto G.
Tất cả các kết nối phổ biến như Wi-Fi, Bluetooth và GPS đều có mặt trên Moto E. Chiếc smartphone này có đủ sức mạnh để đảm bảo trải nghiệm lướt web mượt mà hết mức có thể.
Trải nghiệm nội dung số trên Moto E
Với màn hình chất lượng khá tốt, bạn có thể dùng Moto E để xem phim và các chương trình TV. Thẻ nhớ microSD trên Moto E cho phép bạn mở rộng thêm 32GB bộ nhớ. Bộ nhớ trong 4GB của Moto E thực tế chỉ có 2,21 GB khả dụng. Nếu chụp ảnh quá nhiều bạn có thể sẽ dùng hết bộ nhớ trong chỉ trong 1, 2 tuần lễ.
Ngoài ra, Motorola còn cung cấp cho Moto E khả năng nghe đài FM. Bạn sẽ cần gắn tai nghe đi kèm máy để có thể tận hưởng trải nghiệm radio, do ăng-ten FM được gắn trên tai nghe.
Nhờ bộ loa đã được chuyển ra mặt trước, âm lượng của Moto E là khá ấn tượng. Tuy vậy, do không có các công nghệ âm thanh cao cấp như BoomSound, âm thanh của Moto E sẽ bị rè khi bật quá lớn. Ở âm lượng trung bình, trải nghiệm âm thanh trên Moto E là khá dễ chịu.
Camera
Là một sản phẩm giá mềm, Moto E chỉ có camera chính 5MP đặt sau lưng. Chiếc smartphone giá dưới 3 triệu đồng này không có camera mặt trước.
Ngay cả camera mặt sau cũng không có đèn flash, do đó bạn gần như sẽ không thể chụp ảnh thiếu sáng với Moto E. Tuy vậy, theo TechRadar, camera 5MP vẫn là khá đủ để bạn có thể chụp một vài bức ảnh ở mức "đủ dùng". Ứng dụng camera của Moto E có thể giúp người dùng chụp ảnh một cách dễ dàng.
Khi chụp ảnh, bạn có thể chạm vào bất kỳ phần nào của màn hình (trừ nút quay video và các phím điều hướng) để nhấn cò. Trong khi tính năng này vẫn không tiện dụng bằng một nút chụp ảnh vật lý, khả năng nhấn cò chụp ảnh từ bất kỳ phần nào của màn hình sẽ giúp người dùng có thể chụp ảnh "tự sướng" dễ dàng hơn. Như đã nói ở trên, Moto E không có camera mặt trước, do đó việc chụp ảnh selfie sẽ trở nên khó khăn hơn.
Khi trượt tay từ bên trái màn hình, Moto E sẽ kích hoạt giao diện camera quen thuộc. Bạn có thể chụp HDR, panorama và chụp ảnh tỷ lệ 16:9 trên Moto E. Rất tiếc, Moto E thiếu hụt gần như toàn bộ các tính năng camera thường thấy trên các dòng sản phẩm tầm trung khác.
Giới hạn hiệu năng của Moto E bị bộc lộ rõ khi bạn nhấn cò. Khoảng thời gian trễ chờ từ lúc nhấn cò tới thời điểm lưu ảnh là khá lớn. Bù lại, bạn có thể giữ tay trên màn hình để chụp liên tiếp.
Kết luận
Moto E không phải là một "quái vật" về hiệu năng, và cũng không phải là một "người đẹp" với lớp vỏ long lanh. Song, ở mức giá 129 USD (2,8 triệu đồng; giá gốc tại Mỹ), Moto E là một chiếc smartphone rất đáng chú ý. Ở các thị trường mới nổi, rất có thể Moto E sẽ tạo ra một cơn sốt mới. Với Moto G và Moto E, Motorola có vẻ đã tìm được miếng bánh "ngon" nhất của thị trường: phân khúc tầm thấp. Hãy cùng chờ đợi cuộc đấu nảy lửa giữa Lumia 525, Zenfone 4 và Moto E trong năm nay.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét